Tháo gỡ khó khăn cho làng nghề Hương Mạc
Xã Hương Mạc có 6/6 thôn với trên 3 nghìn hộ tham gia sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan đến sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm cuối tháng 9, toàn xã có tới gần 2 nghìn cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hơn 1 nghìn hộ đang duy trì sản xuất cũng đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng.
Ông Đàm Đình Quang, Chủ tịch UBND xã trăn trở: “Sản xuất làng nghề đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là từ đầu năm 2012, sản phẩm đồ gỗ của địa phương hầu như không xuất bán được, lượng hàng tồn kho tại các cơ sở rất lớn”.
Trong những ngày này, đến thăm làng nghề đồ gỗ Hương Mạc, đi từ thôn Kim Thiều, Hương Mạc, Mai Động, Vĩnh Thọ, Kim Bảng hay Đồng Hương đều im ắng tiếng máy cưa, tiếng đục, tiếng máy bào, tiếng cười của người lao động. Thỉnh thoảng, tiếng máy cưa vang lên ở một điểm nào đó rồi lại rơi vào im lặng. Nhìn sang các làng nghề sản xuất đồ gỗ kế bên như Phù Khê, Đồng Kỵ, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn. Có lẽ, chưa năm nào người dân làng nghề gỗ lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như năm nay.
Cũng theo ông Quang: “Nguyên nhân chủ yếu của việc không xuất bán hàng đi được là do sản phẩm của làng nghề hầu hết chỉ tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, khi bạn hàng ngừng thu mua cộng với kinh tế trong nước khó khăn, người tiêu dùng hạn chế mua sắm thì làng nghề rơi vào tình trạng ngưng trệ sản xuất”.
Cả làng nghề hơn 3 nghìn hộ sản xuất nhưng số hộ sản xuất, tiêu thụ nội địa chiếm chưa đầy 20. Bà Đàm Thị Thanh, người có đến hơn 20 năm lăn lộn với nghề gỗ mỹ nghệ và cũng là một trong những hộ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa chia sẻ: “Trong giai đoạn này, trụ vững đối với mỗi doanh nghiệp (DN) đã là cả một thách thức. DN Hồng Ngọc Bích chỉ tiêu thụ sản phẩm trong nội địa, xác định lấy công làm lãi, chấp nhận lãi ít, làm nghề để giữ nghề, theo nghề, gần đây hàng tiêu thụ có chậm hơn, nhưng không rơi vào tình trạng đóng băng, ngưng trệ sản xuất.”.
Tại xưởng sản xuất của Hồng Ngọc Bích, cả phân xưởng rộng có những thời điểm thu hút gần 200 lao động, thì nay chỉ có vài lao động đang mải miết làm việc. Em Hoàng Văn Sơn, ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cho biết: “Em đang là thợ bậc 2, mức lương là 5 triệu/ tháng (được nuôi ăn), số tiền kiếm được không nhiều, chỉ đủ để trang trải cho cuộc sống. Nhưng nếu tới đây DN cắt giảm công nhân nữa thì chúng em sẽ không biết xoay sở thế nào”.
Được biết, hiện nay, thợ lành nghề ở Hương Mạc có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng; thợ phụ từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; lao động phổ thông hơn 3 triệu đồng…
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại cơ sở Hồng Ngọc Bích (Hương Mạc) đang trầm lắng do thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn.
Trước những khó khăn của làng nghề Hương Mạc, thời gian tới, để làng nghề phát triển bền vững, quan trọng nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Để làm được điều này, các hộ sản xuất cần nâng cao ý thức trong mua bán vận chuyển gỗ, kiên quyết không bán gỗ chưa sơ chế sang Trung Quốc. Có biện pháp xử lý nghiêm, kiên quyết đối với những hộ vi phạm về xuất bán gỗ lậu; cho thợ sang Trung Quốc lao động nhưng đi với mục đích du lịch nhằm giữ gìn nghề truyền thống của địa phương tạo công ăn việc làm cho người dân lao động, làng nghề không rơi vào tình trạng bị động trong sản xuất, bị ép giá sản phẩm…
Các cơ sở sản xuất cần có sự liên kết với nhau trong tìm hướng mở rộng thị trường (cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu). Theo đó hướng đến thị trường các nước, không bó hẹp tại một nước; liên kết thành lập hội ngành nghề; chia sẻ về kinh nghiệm, trợ giúp nhau về vốn… Bên cạnh đó, về phía chính quyền địa phương tích cực đẩy mạnh việc tạo điều kiện giúp các hộ sản xuất, DN vay vốn ngân hàng để đầu tư trang thiết bị máy móc, thu mua nguyên liệu về đến nơi sản xuất….
Với những giải pháp tích cực và đồng bộ, làng nghề truyền thống sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hương Mạc mới hy vọng thoát khỏi tình trạng đóng băng, ngưng trệ sản xuất, vực dậy ngành sản xuất công nghiệp mũi nhọn của thị xã Từ Sơn, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.